Tổng hợp văn học lớp 9 hay nhất

 

PHẦN 1: VĂN HỌC HIỆN ĐẠI

A. THƠ HIỆN ĐẠI

I. ĐỒNG CHÍ

1. Vấn đề 1:

Cho câu thơ sau:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua”

Câu 1: Chép tiếp để hoàn thành khổ thơ trên. Cho biết tên và hoàn cảnh sáng tác bài thơ.

Câu 2: Giải thích từ Hán Việt “tri kỉ” và tìm một từ thuần Việt đồng nghĩa với nó. Theo em, có thể thay từ thuần Việt đó cho từ “tri kỉ” được không? Vì sao?

Câu 3: Câu thơ thứ sáu của đoạn thơ trên có từ “tri kỷ”. Một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 - Tập I cũng có câu thơ dùng từ “tri kỷ”, em hãy chép lại câu thơ đó và cho biết tên bài thơ. Cách sử dụng từ “tri kỷ” ở bài thơ đó có gì khác nhau?

Câu 4: Nếu phân loại theo cấu tạo ngữ pháp, dòng thơ cuối là kiểu câu gì? Nêu tác dụng của việc sử dụng kiểu câu đó trong văn cảnh trên?

Câu 5: Đoạn thơ trên đã cho thấy cơ sở hình thành tình đồng chí giữa những người lính Cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp. Em hãy cho biết tình đồng chí đó được xây dựng dựa trên những cơ sở nào?

Câu 6: Bằng một đoạn văn Tổng - Phân - Hợp (khoảng 12 câu), hãy làm rõ nội dung đoạn thơ vừa chép. Trong đoạn văn có sử dụng một câu bị động và một câu ghép.

Câu 7: Từ cảm nhận về đoạn thơ trên, hãy phát biểu suy nghĩ của em về một tình bạn đẹp. (Trình bày bằng một đoạn văn khoảng 8-10 câu)

Gợi ý

Câu 1: Chép tiếp để hoàn thành khổ thơ:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!”

- Bài thơ “Đồng chí” của tác giả Chính Hữu.

- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ sáng tác năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, khi tác giả là chính trị viên Đại đội tham gia chiến dịch Việt Bắc 1947.

Câu 2: Giải thích nghĩa của từ “tri kỷ”:

- Tri kỷ: (xét trong câu thơ) thân thiết, hiểu bạn như hiểu mình. Từ thuần Việt đồng nghĩa với từ tri kỷ là “bạn thân”

- Không thể thay từ “bạn thân” cho từ “tri kỷ” vì nếu thay sẽ làm mất đi sự trang trọng, thiêng liêng...

Câu 3: Trong “Ánh trăng” Nguyễn Duy cũng sử dụng từ “tri kỷ”:

“hồi chiến tranh ở rừmg

vầng trăng thành tri kỷ”

Cách dùng từ: Từ “tri kỷ” trong hai câu thơ có cùng nghĩa chỉ đôi bạn thân thiết, thấu hiểu tâm tư tình cảm của nhau. Nhưng trong mỗi trường hợp cụ thể có nét nghĩa khác nhau.

- Trong câu thơ của Chính Hữu: “tri kỷ” là chỉ tình cảm giữa người với người.

- Câu thơ của Nguyễn Duy: “tri kỷ” lại chỉ tình bạn giữa vầng trăng với người.

Câu 4: Cấu tạo và tác dụng của câu thơ “Đồng chí!”:

- Cấu tạo: Thuộc kiểu câu đặc biệt

- Tác dụng: Câu đặc biệt như một lời khẳng định, một phát hiện sự kết tinh tình cảm của người lính. Câu đặc biệt còn như bản lề gắn kết hai khổ thơ ® Bộc lộ chủ đề tác phẩm.

Câu 5: Cơ sở hình thành tình đồng chí:

- Sự tương đồng cảnh ngộ nghèo khó

- Chung lí tưởng, mục đích cao cả: chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc

- Chung hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của đời lính

Câu 6: Viết đoạn văn, cần đảm bảo các ý sau:

- Mở đầu bằng hai câu thơ đối nhau rất chỉnh:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

- Những người lính đều là con em nông dân từ các miền quê nghèo hội tụ về đây trong một đội ngũ ® Cùng hoàn cảnh nghèo khó.

“Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”

- Từ “đôi” chỉ hai người, hai đối tượng chẳng thể tách rời nhau kết hợp với từ “xa lạ” làm cho ý xa lạ được nhấn mạnh hơn.

- “Tự phương trời” tuy chẳng quen nhau nhưng cùng đồng điệu trong nhịp đập của trái tim, cùng tham gia chiến đấu, giữa họ đã nảy nở thứ tình cảm cao đẹp: Tình đồng chí - tình cảm ấy không phải chỉ là cùng cảnh ngộ mà còn là sự gắn kết trọn vẹn cả về lý trí, lý tưởng và mục đích cao cả: chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ

Đồng chí!”

- Từ “chung” bao hàm nhiều ý: chung cảnh ngộ, chung giai cấp, chung chí hướng, chung một khát vọng...

- Câu đặc biệt “Đồng chí!” làm cho đoạn thơ kết thúc thật đặc biệt, sâu lắng ® như một nốt nhạc làm bừng sáng cả bài thơ, là kết tinh của một tình cảm cách mạng mới mẻ chỉ có ở thời đại mới.

Câu 7: Suy nghĩ của em về một tình bạn đẹp:

a. Khẳng định: Tình đồng chí trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Chính Hữu là một biểu hiện của tình bạn đẹp

b. Giải thích khái niệm:

- Tình bạn là tình cảm gắn bó thân thiết giữa những người có nét chung về sở thích, tính tình, ước mơ, lý tưởng...

- Tình bạn đẹp là tình bạn gắn bó, yêu thương, sẻ chia, đồng cảm, trách nhiệm và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tình bạn đẹp phải trên cơ sở tôn trọng, chân thành và tin cậy lẫn nhau.

c. Biểu hiện:

- Luôn chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn, biết động viên, an ủi, khích lệ ...

- Giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong học tập, biết chỉ ra khuyết điểm, sai lầm để bạn sửa chữa, không a dua, che giấu cho khuyết điểm của bạn, luôn mong muốn bạn tiến bộ ...

d. Ý nghĩa:

- Làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, mang lại niềm vui

- Trở thành động lực giúp nhau thành công

e. Lên án tình bạn chưa đẹp:

- Dân gian có câu “Giàu vì bạn, sang vì vợ” nhưng cũng có câu “Tin bạn mất bò” bởi lẽ có nhiều người tưởng như là bạn nhưng thật ra lại lợi dụng ta để mưu cầu lợi ích cá nhân.

- Chọn người bạn tốt mà chơi để tránh xa những kẻ trục lợi, lừa thầy phản bạn

f. Khẳng định, liên hệ hành động:

Suy nghĩ, hành động bản thân: có ý thức và có hành động cụ thể để xây dựng và giữ gìn tình bạn đẹp.

NHẬN XÉT ()