Đọc và trả lời các câu hỏi Bài thơ về tiểu đội xe không kính

 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật có câu thơ thật độc đáo:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

Và trên chiếc xe ấy, người chiến sĩ lái xe đã:

“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Thấy con đường chạy thẳng vào tim.

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái”.

Câu 1: Những câu thơ vừa dẫn trích trong tác phẩm nào? Cho biết năm sáng tác của tác phẩm đó.

Câu 2: Chỉ ra từ phủ định trong câu thơ độc đáo trên. Việc dùng liên tiếp từ phủ định ấy nhằm khẳng định điều gì và góp phần tạo nên giọng điệu nào cho bài thơ?

Câu 3: Dựa vào khổ thơ trên, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính, trong đó có sử dụng câu phủ định và phép thế (gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép thế)

Câu 4: Chép lại hai câu thơ liên tiếp sử dụng từ phủ định trong tác phẩm (được xác định ở câu hỏi 1)

Gợi ý

Câu 1: Xuất xứ và năm sáng tác:

- Những câu thơ trích trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

- Sáng tác năm 1969.

Câu 2: Chỉ ra từ phủ định và tác dụng của việc sử dụng từ phủ định:

- Từ phủ định là từ: “không có”, “không phải” (hoặc “không”)

- Việc dùng liên tiếp từ phủ định trên nhằm khẳng định:

+ Nguyên nhân vì sao chiếc xe không có kính. Đó là do “Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”.

+ Phản ánh rõ hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra trên tuyến đường Trường Sơn.

- Cách sử dụng liên tiếp từ phủ định cũng góp phần tạo nên giọng điệu ngang tàng, thản nhiên, câu thơ rất gần với câu văn xuôi.

Câu 3: Viết đoạn văn làm rõ cảm giác của người chiến sĩ lái xe trên chiếc xe không kính:

- Cảm nhận được cảm giác mạnh mẽ, đột ngột cụ thể của người lái xe ngồi trong chiếc xe không kính.

- Qua khung cửa xe không có kính chắn gió, người lái xe tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài:

- Điệp ngữ “nhìn thấy” kết hợp với các hình ảnh được liệt kê: “gió”, “con đường”, “sao trời”, “cánh chim” đã làm rõ những khó khăn mà người lính lái xe đang phải đối mặt khi làm nhiệm vụ, nhưng cũng mang lại cho họ cảm giác thích thú: “xoa mắt đắng”, “chạy thẳng vào tim”, “Như sa như ùa vào buồng lái” => Nghệ thuật nhân hóa: “xoa”, “chạy thẳng”, “sa”, “ùa’ khắc họa cảm giác rất cụ thể của người lính.

- Qua các điệp ngữ “thấy” và “như”, khổ thơ cũng diễn tả một cách chính xác và gợi cảm tốc độ của những chiếc xe đang lao nhanh ra chiến trường. Người đọc cảm nhận được đoạn đường của xe chạy: khi thì là con đường chạy thẳng: “con đường chạy thẳng vào tim”, khi thì xe đang chạy ở lưng chừng núi, ở độ cao tiếp xúc với “sao trời”, với “cánh chim”. Người đọc cảm nhận được cung đường gập ghềnh, khúc khuỷu đầy khó khăn mà người lính lái xe phải vượt qua.

- Qua cảm giác mạnh, đột ngột của người lính lái xe khi ngồi trong buồng lái, người đọc thấy được thái độ bất chấp khó khăn, nguy hiểm và tâm hồn lạc quan, trẻ trung, yêu đời của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn qua hình ảnh:

“...Sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái”

NHẬN XÉT ()